Những công cụ được trình bày bên dưới có thể không giúp bạn giải quyết được những trục trặc về mạng máy tính, diệt virus, sửa chữa máy tính..., nhưng chắc chắn chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
IPtools
Thông thường, mỗi khi có việc gì liên quan đến địa chỉ IP, nhiều người dùng lại mở cửa sổ dòng lệnh và... gõ. Không cần phải như thế nữa, bởi hiện có một công cụ trực tuyến có khả năng tìm thông tin dựa trên địa chỉ IP, đáp ứng đủ những gì mà một chuyên gia máy tính cần, đó là IPTools. Với công cụ trực tuyến này, bạn có thể tìm thông tin IP của bất kỳ địa chỉ nào, chạy ping, traceroute, tìm thông tin WHOIS, xác định địa chỉ e-mail (có thuộc dịch vụ e-mail miễn phí hay không), tìm CSDL về kẻ phát tán thư rác... Trang web này cũng liên kết với dịch vụ bản đồ Google Maps để xác định đúng địa chỉ địa lý của IP mà bạn đang tra cứu. IPTools cho phép người dùng tự thay đổi giao diện với các mẫu cung cấp sẵn.
Iptools.com
You Get Signal
|
Trang web này do chàng sinh viên Kirk Ouimet tại đại học Brigham Young (Mỹ) tạo ra, là công cụ cần thiết của nhà quản trị. Tại đây, bạn có thể dễ dàng dò được nhiều thông tin từ địa chỉ IP. Ví dụ, từ một địa chỉ IP cụ thể, bạn có thể dò xem các cổng Internet nào đang mở hay đóng; hiển thị vị trí địa lý của địa chỉ IP đó qua Google Maps, dò trace route qua bản đồ địa lý và có khoảng cách địa lý cụ thể, liệt kê được mọi website có trên một máy chủ dịch vụ web... Người dùng tại Bắc Mỹ có thể sử dụng dịch vụ này để dò ra địa chỉ dựa trên số điện thoại bàn.
Bugmenot
Từng được nhắc đến nhiều trước đây, nhưng cho đến nay thì Bugmenot vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Bạn nên vào đây trước khi nhấn "Sign up" ở các trang web phổ biến để lấy thông tin gì đó (ví dụ như nytimes.com, megaupload.com...) bởi có cả một cộng đồng chia sẻ cho bạn nhiều tên đăng nhập và mật khẩu để "xài chung". Bạn nhớ để lại đánh giá là tài khoản đó dùng được không nhé! Vì đương nhiên cũng có những tài khoản đang được người khác dùng và những tài khoản không hợp lệ. Dù gì đi chăng nữa, Bugmenot cũng "gánh" giúp bạn một phần công việc và thời gian.www.bugmenot.com
Đo đường truyền
|
Tôi hay lang thang trên mạng và tải về nhiều thứ, nhưng có trường hợp trang web lại hiện ra một loạt địa chỉ máy chủ "mirror" để lựa chọn. Theo lý thuyết, máy chủ nào gần nhất sẽ cho tốc độ tải về nhanh nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán. Bạn muốn biết tốc độ tải về giữa các máy chủ đặt tải Thượng Hải, Trung Quốc hay Kualar Lumpur, Malaysia về Việt Nam cái nào nhanh hơn? Speedtest có thể làm được điều này. Trang web dựa trên nền Flash này cấu hình sẵn nhiều địa chỉ máy chủ chính trên khắp thế giới. Khi bạn vào trang web này, Speedtest tự động xác định địa chỉ vật lý của bạn dựa trên địa chỉ IP. Sau đó, bạn chỉ việc chọn địa điểm vật lý là những máy chủ được trang web định sẵn và nhấn chuột. Trang web sẽ đo tốc độ kết nối dựa trên các thử nghiệm ping địa chỉ IP, tốc độ tải về, tốc độ tải lên... và cho ra kết quả. Nhưng bạn cũng đừng phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả nhận được bởi vì mỗi máy chủ đều có giờ "cao điểm" riêng.
speedtest.net
Đem bookmark đi mọi nơi
Del.icio.us cũ rích! Nhưng tại sao tới nay dịch vụ này vẫn tồn tại? Đơn giản là vì Del.icio.us đơn giản nhưng cực kỳ có ích. Nếu chưa từng dùng, bạn nên thử. Bạn từng biết bookmark hữu dụng như thế nào khi lướt web. Và hãy tưởng tượng xem, nếu như mỗi người có một danh mục bookmark riêng và mọi người đều chia sẻ cho nhau, thế là... Del.icio.us xuất hiện! Tại đây, bạn có thể xem được bookmark của mọi người từ bất kỳ máy tính nào và dĩ nhiên bạn có thể tạo riêng cho mình một hệ thống bookmark. Hơn nữa, nhờ có Del.icio.us mà bạn không bị lệ thuộc vào một máy tính: bạn có thể truy cập đến kho bookmark của mình ở bất kỳ đâu miễn là có kết nối Internet. Có thể xem Del.icio.us cũng giống như một mạng cộng đồng chuyên biệt để chia sẻ bookmark. Cách thêm và truy cập vào bookmark khá hay, bạn chỉ việc nhấn vào một nút là Del.icio.us thêm một bookmark mới cho bạn. Khi tạo bookmark, trang web cũng yêu cầu bạn tạo ra thẻ đánh dấu (tag) để tiện chia sẻ và quản lý. Tuy nhiên, Del.icio.us không có chức năng "đóng", nghĩa là khi đánh dấu bookmark trên Del.icio.us thì bạn đã phải chia sẻ nó với mọi người rồi.
Del.icio.us
Không sợ bị tống thư rác
|
Khi lang thang trên mạng, nhiều người dùng thường ngại khai báo địa chỉ e-mail cho một trang web nào đó để họ gửi lại email xác nhận hay kích hoạt tài khoản mới. Đừng lo, 10minutemail (10minutemail.com) tự tạo cho bạn ngay tức thì một địa chỉ e-mail và hộp thư này sẽ hết hạn trong vòng 10 phút. Bạn chẳng cần phải cấu hình, đặt tên hay làm bất kỳ việc gì (thậm chí không cần đăng nhập). Nếu 10 phút vẫn chưa đủ, bạn có thể thêm 10 phút nữa chỉ bằng 1 cú nhấn chuột... cho đến khi nào xong việc. Ngoài trang web này, còn có 3 trang web khác cung cấp tính năng tương tự là tempemail.net, (hết hạn sau 15 phút) và Spambox (spambox.us, cho bạn chọn thời gian hết hạn). Quả là rất tiện lợi!
Tự tạo mật mã
|
Đôi khi nghĩ ra một mật mã thật khó! Mật mã đó phải làm sao thật khó bẻ nhưng phải thật dễ nhớ. Đôi khi chương trình nào đó buộc bạn phải đặt mật mã theo yêu cầu, ví dụ như phải trên 10 ký tự, phải có chữ hoa, chữ thường và số. Thậm chí, ở nhiều công ty, nhà quản trị mạng còn buộc bạn phải thay đổi mật mã định kỳ và mật mã mới phải hoàn toàn khác với mật mã cũ. Trang web mang tên Free Password Generator tuy không tạo được cho bạn một mật mã dễ nhớ nhưng lại đáp ứng được các tiêu chí "khó khăn" khác khi đặt mật mã. Bạn có thể quy định mật mã là chữ thường, chữ hoa, số, ký tự đặc biệt và độ dài. Sau đó, công cụ này lập tức cho bạn một mật mã với độ bảo mật cao. Nếu không bằng lòng với mật mã đó, bạn có thể cho tạo nhiều mật mã với cùng tiêu chí trên để chọn cái thích hợp nhất. Tuy nhiên, dù mật mã có an toàn đến mấy thì cũng vô nghĩa nếu như bạn quên chúng, do đó tốt hơn hết là bạn nên học cách ghi nhớ, hoặc cùng lắm là nên ghi chú lại ở một nơi an toàn.
Quét virus trực tuyến
Quét virus trực tuyến không phải là cách hay nhất để tìm diệt virus trên máy tính nhưng lại được xem là cách duy nhất nếu trong tay bạn không có phần mềm quét virus nào trên máy tính hoặc phần mềm chưa được cập nhật. Đương nhiên, hầu hết các công ty bảo mật tên tuổi đều cung cấp công cụ quét virus trực tuyến riêng, chẳng hạn như Kaspersky có Kaspersky Online Scanner, McAfee có FreeScan, Symantec có Symantec Online Scan, Trend Micro có HouseCall và cả Microsoft cũng có công cụ Windows Live OneCare. Phần lớn các công cụ quét virus trực tuyến đều chạy tốt với Internet Explorer và Firefox, tuy nhiên, bạn cần thiết lập nhúng Java hoặc ActiveX phù hợp cho trình duyệt và chạy với quyền quản trị thì các công cụ này mới hoạt động trơn tru được. Thông thường, trước khi quét trực tuyến, trang web luôn kiểm tra cấu hình máy tính và đề nghị bạn làm theo vài bước để quá trình quét có thể diễn ra suôn sẻ. Thời gian quét có thể khá lâu, tùy vào chất lượng đường truyền và cả dung lượng ổ cứng của bạn.
Đây là file gì?
Bỗng dưng một sáng thức dậy, bật máy tính, bạn thấy trên màn hình xuất hiện một tập tin lạ. Bạn tò mò muốn biết tập tin này là gì nhưng không dám nhấp chuột vào? Trang web Whatisthisfile có thể "lật mặt" tập tin lạ đó. Trang web này được xem như là cuốn từ điển về malware và virus... Tuy không tập hợp đầy đủ nhưng dù gì thì Whatisthisfile cũng là công cụ tra cứu có ích. Bạn cũng có thể bổ sung một tập tin nào đó bạn biết rõ là có hại cho máy tính để chia sẻ với người dùng khác.Website hiện đang còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Thư viện DLL
Bạn vừa dùng BKAV diệt được 1 con virus, nhưng khởi động lại máy tính, hệ thống báo thiếu một tập tin DLL tên gì đó và yêu cầu bạn phải bỏ đĩa cài đặt hệ điều hành vào. Microsoft cứ nghĩ lúc nào trên bàn người dùng cũng có đĩa Windows vậy! Nhưng may mà đã có sẵn một kho tập tin .DLL trên mạng, hãy đến trang chủ DLL-files.com, gõ vào đúng tên tập tin cần tìm và tải về. Trang web cũng có công cụ chẩn đoán hệ thống, tìm xem bạn có thiếu tập tin .DLL nào trên hệ thống không.
DLL-files.com
Tìm hiểu về Microsoft
Nếu bạn đang nghiên cứu thứ gì đó của Microsoft như DirectX 10, lỗi vòng tròn tử thần của XBox 360, hay cả vụ mua bán với Yahoo... thì Google có một mục chuyên về những vấn đề liên quan đến gã khổng lồ này.
Chuyển đổi định dạng online
|
Bạn đang tìm một công cụ chuyển định dạng nào đó cho nhạc, phim hay tài liệu văn phòng? Thông thường, cách bạn làm là lên web, tìm kiếm, tải về, cài đặt, chạy thử. Và đây là cách... đầy rủi ro! Zamzar là công cụ chuyển đổi định dạng tập tin trực tuyến. Tuy còn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Zamzar lại khá hoàn chỉnh và cũng đã thương mại hóa bên cạnh chức năng sử dụng miễn phí với một số hạn chế. Công cụ này chuyển đổi được hầu hết định dạng văn bản, nhạc, phim phổ biến, đặc biệt Zamzar còn chuyển cả định dạng tập tin nén (.ZIP, .TAR, .7z...). Trang web yêu cầu bạn upload tập tin cần chuyển định dạng (hoặc chỉ ra đường dẫn) và Zamzar chuyển đổi trên server của trang web, sau đó sẽ gửi e-mail cho bạn đường link tải tập tin đã chuyển đổi về. Sử dụng miễn phí, bạn chỉ có thể chuyển đổi tập tin dưới 100MB và chuyển đổi đồng thời 5 tập tin. Có 3 gói dịch vụ: Basic, Pro và Business với mức cước khác nhau và tùy chọn mở rộng khác nhau.
Không biết Zamar () có phải anh em họ hàng gì với Zamzar không nhưng cũng có chức năng tương tự. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng YouConvertIt (, cũng trong giai đoạn beta) hoặc Media-Convert (media-convert.com) với nhiều tùy chọn định dạng hơn và kích thước tập tin tối đa lên đến 300MB và 150MB.
Tìm tài khoản mặc định của router
Bạn thường phải cấu hình cho router? Nếu vậy, đây là trang web rất cần thiết. Ở mỗi router, nhà sản xuất thường thiết lập mặc định thông số tài khoản đăng nhập và đương nhiên bạn phải đọc tài liệu hướng dẫn kèm theo để biết được tài khoản mặc định đó. Nếu đó là một router mới mua thì đây không phải là vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu đó là một router cũ, bị thất lạc cuốn sách hướng dẫn và bạn muốn reset lại thiết bị thì là một rắc rối không nhỏ. Trang web là một cơ sở dữ liệu về tài khoản đăng nhập mặc định của gần như đầy đủ các chủng loại router.
ref:http://www.pcworld.com.vn/pcworld/magazine_a.asp?t=mzdetail&atcl_id=5f5e5d5a5f5c56
No comments:
Post a Comment